"...Khi chưa biết Đạo, người ta thấy núi là núi, nhưng sau khi thấm nhuần Đạo rồi người ta cũng sẽ thấy núi vẫn là núi mà thôi. Cũng vậy, người đời làm cái gì thì kẹt vào cái đó, như con đã kẹt vào tu, vào công việc. Khi bắt đầu được khai thị thì lại muốn bỏ tu, bỏ công việc, bỏ hết tất cả. Cuối cùng khi Đạo đã thâm sâu mới thấy ra vẫn là tu, là công việc đó, vẫn làm tất cả, không bỏ thứ gì.
Lúc đầu là thủ (chấp trước), lúc giữa là xả (buông bỏ), sau cùng là bất thủ bất xả (không nắm mà cũng không buông) như Lão Tử nói: “Vô vi nhi vô bất vi”. Vô vi nhưng không việc gì không làm...
Cho đến bây giờ thì Thầy mới hiểu rằng Đạo không thay đổi bất cứ một sinh hoạt nào của ta cả. Đạo chỉ soi sáng tâm hồn để ta có thể sinh hoạt chân, mỹ, thiện hơn mà thôi.
Một người làm nông ngộ đạo sẽ không bỏ cày mà ngược lại cày cấy với năng suất cao hơn. Một học sinh đi học ngộ đạo, sẽ không bỏ học mà còn học hành giỏi hơn. Một công chức đi làm ngộ đạo, sẽ không bỏ công việc mà còn làm việc một cách sáng tạo hơn, xuất sắc hơn.
Hãy làm công việc của mình một cách sáng suốt, trầm tĩnh là đạt được chỗ chân của đạo. Hãy làm một cách chân thành, việc nào thông suốt việc đó, luôn hoàn thành chu tất là đạt được chỗ mỹ của đạo. Hãy làm tất cả mọi việc với thiện ý giúp chính mình, giúp cha mẹ, gia đình, xã hội v.v...là đạt được chỗ thiện của đạo.
Đạo là sáng suốt vững chắc, chứ không thể là trạng thái buông lung, hững hờ trước mọi sự. Trái lại mỗi mỗi hành động, mỗi mỗi ý nghĩ, mỗi mỗi lời nói phải rõ ràng, minh bạch, phải đạt chỗ chân, mỹ, thiện vô cùng giản dị của nó.
Học đạo quý vô tâm, làm, nghĩ, nói không lầm, sáng trong và lặng lẽ, giản dị mới uyên thâm.
Đạo chính là việc con đang làm. Khi con làm, con nghĩ, con nói minh bạch, không lầm lẫn là đạo. Khi con làm việc với tâm sáng suốt là chân, với tâm trong sạch là thiện, với tâm lặng lẽ là mỹ. Công việc của con như vậy sẽ vô cùng giản dị và vô cùng uyên thâm.
Vậy ra con tưởng có một lý tưởng đạo nào đó ngoài công việc hàng ngày, ngoài bổn phận làm người, ngoài uống, ăn, đi, đứng hay sao? Người ta thường tưởng rằng mình phải đâm bổ vào một lý tưởng siêu thoát, một đạo lý cao siêu, một lối sống phi phàm ra ngoài thế sự. Nhưng họ lầm to, sống như vậy họ chỉ càng trầm luân như những con thiêu thân lao đầu vào ánh sáng.
Ngày nọ có một người Phật tử lật đật dựng xe đạp để vào chùa nghe giảng siêu lý (Abhidhamma) đã không biết rằng chiếc xe đạp của anh ta đè gãy một cành hoa bên tường chùa! Anh ta tưởng có cái gì siêu lý ngoài việc dựng chiếc xe đạp sao cho đàng hoàng, trầm tĩnh, sao cho đừng hại tới ai. Và cứ thế anh ta thả mồi bắt bóng, tìm cái giả, bỏ cái chân, tìm sinh tử bỏ Niết-Bàn mà cứ tưởng rằng mình sẽ đến nơi siêu việt.
Con thương mến, hãy sáng suốt, hãy trầm tĩnh, hãy hiền hòa trong mỗi bước đi của mình trên đường đời. Bỏ mất mỗi giây phút là bỏ mất tất cả, vì thể tướng dụng trọn vẹn chính là mỗi bước đi, trong từng giây phút thực tại ngay bây giờ và ở đây....
Quá khứ không truy tầm Tương lai không ước vọng Quá khứ đã đoạn tận Tương lai thì chưa đến Chỉ có pháp hiện tại Tuệ quán chính là đây- không động, không rung chuyển. Biết vậy nên tu tập Hôm nay nhiệt tâm làm Ai biết chết ngày mai ...(Trích Kinh nhất Dạ Hiền Giả)
Nhưng pháp hiện tại là gì? Là khi con đang làm gì hãy hoàn toàn trọn vẹn với việc làm đó. Khi con dựng xe, hãy hoàn toàn trọn vẹn với việc dựng xe vv... chứ không phải đang đi làm mà mơ bỏ bê, không phải đang dựng xe mà mơ siêu lý..."